Chính quyền Peru

Phủ Tổng thống Peru tại Lima.
Bài chi tiết: Chính trị Peru

Peru là một nước cộng hòa dân chủ đại nghị tổng thống với một hệ thống đa đảng. Theo hiến pháp hiện nay, Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và chính phủ; người này được bầu cho một nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống chỉ định Thủ tướng, và cố vấn trong việc bổ nhiệm các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng. Nghị viện theo nhất viện chế với 130 thành viên được bầu cho một nhiệm kỳ 5 năm. Các dự luật có thể được nhánh hành pháp hoặc lập pháp đệ trình, chúng sẽ thành luật sau khi được Nghị viện thông qua và được Tổng thống ban hành. Bộ máy tư pháp độc lập trên danh nghĩa, song sự can thiệp của chính quyền đối với các vấn đề pháp luật đã phổ biến trong suốt lịch sử và được cho là vẫn tiếp tục đến nay.[44]

Chính phủ Peru được bầu cử trực tiếp, và bầu cử là bắt buộc đối với tất cả công dân từ 18 đến 70 tuổi. Cuộc bầu cử tổ chức vào năm 2011 kết thúc với chiến thắng của ứng cử viên tổng thống Ollanta Humala thuộc liên minh Gana Perú trước Keiko Fujimori thuộc Fuerza 2011.[45] Nghị viện hiện gồm có Gana Perú (47 ghế), Fuerza 2011 (37 ghế), Alianza Parlamentaria (20 ghế), Alianza por el Gran Cambio (12 ghế), Solidaridad Nacional (8 ghế) và Concertación Parlamentaria (6 ghế).[46]

Các xung đột biên giới với các quốc gia láng giềng chi phối quan hệ đối ngoại của Peru, hầu hết chúng đều được giải quyết xong trong thế kỷ XX.[47] Hiện nay, Peru có tranh chấp giới hạn hàng hải với Chile trên Thái Bình Dương.[48] Peru là một thành viên tích cực của một số tổ chức khu vực và là một trong số các quốc gia sáng lập Cộng đồng các quốc gia Andes. Quốc gia này cũng tham gia các tổ chức quốc tế như Tổ chức các quốc gia châu MỹLiên Hiệp Quốc. Quân đội Peru gồm có lực lượng lục quân, hải quân và không quân; nhiệm vụ chính của quân đội Peru là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.[49] Các lực lượng vũ trang trực thuộc Bộ Quốc phòng và Tổng thống với vai trò là Tổng tư lệnh. Chế độ cưỡng bách tòng quân bị bãi bỏ vào năm 1999, thay thế là phục vụ quân sự tự nguyện.[50]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Peru http://www.andeshandbook.cl/eng/default.asp?main=c... http://www.britannica.com/nations/Peru http://www.economist.com/research/backgrounders/di... http://books.google.com/books/about/Desaf%C3%ADos_... http://www.scribd.com/doc/93993434/HAAS-Et-Al-2004... http://www.usatoday.com/news/world/story/2012-01-3... http://ucblibraries.colorado.edu/govpubs/for/peru.... http://digital.library.pitt.edu/cgi-bin/t/text/tex... http://paa2012.princeton.edu/papers/120475 http://dss.ucsd.edu/~mshugart/semi-presidentialism...